Lời nhắn xanh đến COP28 của trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam

16/11/2023

Thử thách làm phim 1 phút trên mạng xã hội của UNICEF - mang tiếng nói của thế hệ trẻ Việt Nam tới Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 28 (COP28)

Bạn là thanh thiếu niên đang sống tại Việt Nam có độ tuổi từ 13-30? 

Bạn yêu thích sáng tạo? 

Bạn muốn làm video để kể câu chuyện của mình? 

Bạn muốn gửi thông điệp về những giải pháp sáng tạo của mình ứng phó biến đổi khí hậu đến các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới? 

Bạn mong muốn góp tiếng nói của mình và cùng chung tay với các bạn trẻ trên thế giới ứng phó biến đổi khí hậu? 

Bạn muốn tiếng nói của mình được lắng nghe tại diễn đàn quan trọng nhất trên Thế giới (COP28) về biến đổi khí hậu? 


Hãy tham gia thử thách làm phim 1 phút xanh cùng UNICEF! 

(Vui lòng xem các thông tin về biến đổi khí hậu, COP28, lời kêu gọi hành động của UNICEF ở cuối trang) 

1. THỜI GIAN TỔ CHỨC: 

  • Thời gian nhận bài tham dự: Từ 7/11 -27/11/2023 (3 tuần), tại nhóm Facebook của UNICEF: Thử thách làm phim '1 phút xanh'  

  • Công bố giải thưởng: Dự kiến ngày 29/11/2023.  

2. TỔNG GIÁ TRỊ QUÀ TẶNG: 38 TRIỆU 500 NGHÌN ĐỒNG 

  • Quà tặng hàng tuần: Tổng giá trị 6 triệu đồng cho 3 tuần. Mỗi tuần sẽ có: 

- 01 Giải Nhất: Mỗi giải trị giá 1 triệu đồng 

- 02 Giải Nhì: Mỗi giải trị giá 500 nghìn đồng 

*Lưu ý: Giải tuần chỉ chấm giải bình chọn. Kết quả hàng tuần dựa trên tổng số điểm tương tác của video gửi tham dự (thích, thả tim, bình luận, chia sẻ... trong đó điểm chia sẻ sẽ gấp đôi số điểm các tương tác còn lại). Việc lựa chọn và bầu chọn video tuần, chỉ dành cho những video được chia sẻ trong nhóm Facebook ‘Thử thách làm video 1 phút xanh’ của UNICEF trong tuần đó. Ví dụ: những video đã được chia sẻ trong nhóm UNICEF Facebook ở tuần 1, sẽ không được lựa chọn và tham gia bầu chọn trong các tuần khác  (2 và 3). 

  • Quà tặng chung cuộc: Tổng giá trị 32 triệu 500 nghìn đồng. 

Ban giám khảo sẽ chọn ra 150 tác phẩm được đánh giá cao đưa vào vòng chung khảo để chấm giải chung cuộc bao gồm: 

- 03 Giải Nhất: Mỗi giải trị giá 6 triệu đồng 

- 03 Giải Nhì: Mỗi giải trị giá 3 triệu đồng 

- 03 Giải Ba: Mỗi giải trị giá 1 triệu đồng 

- 05 Giải khuyến khích: Mỗi giải trị giá 500 nghìn đồng 

  • Quà tặng lưu niệm: 

- Các video được giải ở trên cùng với  50 video tham dự sớm nhất và 150 video được vào vòng chung khảo của thử thách sẽ nhận được áo lưu niệm và giấy chứng nhận từ Ban tổ chức. 

- Tất cả video hợp lệ tham gia thử thách sẽ nhận được giấy chứng nhận online qua email đăng ký tham gia chương trình. 

3. LAN TOẢ THÔNG ĐIỆP XANH 

Kết thúc thử thách làm phim, Ban tổ chức sẽ lựa chọn các tác phẩm tiêu biểu trong giải Nhất, Nhì, Ba  để lan tỏa thông điệp Xanh qua các hoạt động sau: 

  • Là video mang thông điệp của trẻ em, thanh thiếu niên Việt Nam gửi tới COP28. 

  • Là tài liệu truyền thông về biến đổi khí hậu được chiếu trên sóng Đài truyền hình Việt Nam. 

  • Là video truyền thông được công chiếu trên các trang mạng xã hội và website của Quỹ Nhi Đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam. 

4. QUY ĐỊNH VÀ TIÊU CHÍ CHẤM GIẢI 

  • Thể loại video tham dự: 

Ban tổ chức chấp nhận tất cả các thể loại video hiện có, bao gồm: video quay dựng, video infographic, video stop motion, video animation 2D – 3D... 

  • Quy định video tham dự: 

- Video tham dự cần có độ phân giải 1.080p (Full HD) trở lên. 

- Video có thời lượng từ 50 giây đến 1 phút 10 giây. Những video có thời lượng dưới 50 giây hoặc hơn 1 phút 10 giây sẽ không hợp lệ. 

- Video quay dựng cần có ít nhất 30% là hình ảnh quay mới. Quay mới hoàn toàn sẽ là một lợi thế. 

- Video infographic, video stop motion, video animation 2D – 3D cần ghi tên phần mềm, ứng dụng tạo video bạn sử dụng khi đăng bài lên nhóm. 

- Video không sử dụng lời đọc (lời bình) là giọng đọc của Ai (Trí tuệ nhân tạo). 

- Video không sử dụng hoàn toàn (hoặc chỉ chỉnh sửa chữ) các mẫu có sẵn trên Canva và các phần mềm, ứng dụng cung cấp mẫu có sẵn để tạo video. 

  • Tiêu chí chấm giải chung cuộc: 

Thử thách làm phim sẽ chú trọng vào các tiêu chí như ý tưởng sáng tạo, thông điệp, kỹ thuật quay dựng tốt và điểm tương tác chung cuộc. 

5. HƯỚNG DẪN THAM GIA THỬ THÁCH: 

Bước 1: Tham gia nhóm, đăng ký làm thành viên của nhóm UNICEF Facebook ‘Thử thách làm phim 1-phút xanh’ (nếu bạn chưa là thành viên nhóm): Thử thách làm phim '1 phút xanh' 

Bước 2: Xây dựng ý tưởng và sản xuất video 1 phút. Tham khảo các hướng dẫn làm video 1 phút, các thông điệp về biến đổi khí hậu và COP28 đăng tải trên website của UNICEF hoặc tại nhóm UNICEF Facebook ‘Thử thách làm phim 1-phút xanh’. 

Bước 3: Đăng tải video lên nhóm UNICEF Facebook ‘Thử thách làm phim 1-phút xanh’  tại đường dẫn: Thử thách làm phim '1 phút xanh'

* Lưu ý: bài đăng cần ghi rõ 

  • Tên người hoặc nhóm tham gia 

  • Số điện thoại 

  • Thông điệp 

Bước 4: Hoàn thiện mẫu đăng ký tham dự thử thách làm phim 1 phút (sau khi video được duyệt) bằng cách điền thông tin đăng ký tại đây.

Bước 5: Tiến hành kêu gọi bình chọn (lượt thích, bình luận, chia sẻ) cho video mang thông điệp của mình, theo hướng dẫn tại tại nhóm UNICEF Facebook ‘Thử thách làm phim 1-phút xanh’. 

* Lưu ý: Mọi thông tin cần giải đáp, vui lòng liên hệ Facebook: Nguyễn Đình Quyền - admin nhóm UNICEF Facebook ‘Thử thách làm phim 1-phút xanh’. 

6. CÁC QUY ĐỊNH KHÁC: 

  • Người tham gia thử thách là là trẻ em và thanh thiếu niên đang sống tại Việt Nam từ 13 đến 30 tuổi. 

  • Không có giới hạn về số lượng video tham gia. 

  • Người tham gia có thể là cá nhân hoặc theo nhóm. 

  • Các video gửi tham dự thử thách làm phim phải có nội dung và hình thức phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam và tuân thủ pháp luật Việt Nam. Người tham gia chịu trách nhiệm về các nội dung video tham dự của mình. Ban tổ chức sẽ không chịu trách nhiệm với nội dung các video tham dự. 

  • Ban tổ chức sẽ duyệt video trước khi đăng tải lên tại nhóm UNICEF Facebook ‘Thử thách làm phim 1-phút xanh’.  

  • Người tham gia thử thách làm phim phải cam kết mình là tác giả, nhóm tác giả của video gửi tham dự, không sao chép ý tưởng, nội dung của người khác, tự thực hiện ghi hình và đảm bảo video (hoặc hình ảnh trong video) chưa từng tham gia bất cứ cuộc thi nào khác, chưa đăng tải trên bất kỳ ứng dụng mạng xã hội nào, hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng, internet. Ban Tổ chức không chịu trách nhiệm về những tranh chấp bản quyền có liên quan. 

  • Trẻ em tham gia thử thách làm phim cần đảm bảo an toàn và có sự giám hộ của người lớn trong toàn bộ quá trình thực hiện video. 

  • Ban Tổ chức được toàn quyền sử dụng thông tin về tác giả cùng các video tham gia thử thách để phục vụ cho các hoạt động truyền thông của UNICEF với mục đích phi thương mại mà không cần xin phép tác giả cũng như không phải trả bất cứ chi phí nào.  


    Hãy tham gia ngay thử thách để nhận những phần quà hấp dẫn từ Ban tổ chức, và lan toả thông điệp Xanh của bạn đến toàn thế giới! 

TRẺ EM, BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ LỜI KÊU GỌI HÀNH ĐỘNG CỦA UNICEF 

Theo báo cáo phân thích của UNICEF,  trên toàn cầu có hơn 1 tỷ trẻ em đang sống tại các quốc gia có “nguy cơ  cực kỳ cao” do biến đổi khí hậu. Điều này có nghĩa là 1 nửa số trẻ em trên thế giới phải đối mặt với những tổn thương không thể khắc phục do hành tinh của chúng ta ngày càng nóng lên.  

Ngay lúc này, trên thế giới có những trẻ em đang mất nhà cửa và trường học do những cơn bão ngày càng dữ dội, có em bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng do mùa màng bị hạn hán, và viêm phổi do ô nhiễm không khí cũng cướp đi sinh mạng nhiều trẻ em khác. 

Trong 8 năm qua, Việt Nam đã phải trải qua những thảm họa thiên tai quy mô lớn chưa từng có, gây tổn hại nặng nề cho trẻ em, gia đình các em và cộng đồng. Đất nước đã phải gánh chịu những hậu quả tàn khốc của hạn hán, bão lũ và lụt lội. Điều này khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Đợt hán hán do El Nino năm 2015-2016, tồi tệ nhất trong vòng 90 năm qua, đã ảnh hưởng tới hơn 500 nghìn trẻ em và 1 triệu phụ nữ. Một năm sau đó, vào năm 2017, hậu quả của 16 cơn bão và bốn áp thấp nhiệt đới tại miền trung Việt Nam đã khiến 386 người thiệt mạng trong đó có 40 trẻ em và gây thiệt hại kinh tế 2,6 tỷ đồng. Ngoài ra, khu vực miền trung cũng trải qua lũ lụt trên diện rộng vào năm 2020 do 7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới liên tiếp gây gió to và mưa lớn đã ảnh hưởng tới 7.7 triệu dân, bao gồm 1.5 triệu trẻ em       

Hành động ứng phó với biến đổi khí hậu là ưu tiên xuyên suốt trong các hoạt động của UNICEF. Cùng với các đối tác, UNICEF đang nỗ lực hỗ trợ các dịch vụ xã hội thiết yếu cho trẻ em - như nước sạch, chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng, giáo dục và các hệ thống bảo vệ kiên cường hơn để chống lại ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thiên tai. UNICEF đang làm việc tại các cộng đồng để hỗ trợ các hoạt động giảm nhẹ và thích thức cũng như đối phó với những thiệt hại và mất mát. UNICEF cũng đang hỗ trợ và trang bị cho trẻ em kiến thức và kỹ năng cần thiết để các em đóng vai trò tiên phong trong quá trình chuyển đổi hướng tới một thế giới bền vững hơn. 

COP28 là cơ hội quan trọng để đưa định hướng lấy trẻ em làm trung tâm vào chương trình nghị sự thế giới về biến đổi khí hậu và đặt nền móng cho việc thay đổi hệ thống bền vững. UNICEF ủng hộ mạnh mẽ việc LẮNG NGHE TIẾNG NÓI CỦA TRẺ EM VÀ THANH THIẾU NIÊN, đảm bảo nhu cầu và quyền lợi của các em được tôn trọng, được bảo vệ và lồng ghép trong tất cả các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu.