Ngành Y tế Điện Biên đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành
02/07/2019
Điện Biên là một tỉnh miền núi, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế, điều đó đã ảnh hưởng lớn đến công tác y tế, nhưng được sự quan tâm của Tỉnh, TW và Bộ Y tế, ngành Y tế Điện Biên đã nỗ lực vượt khó, làm tốt công tác chăm sóc sức khoẻ, phòng chống dịch bệnh, tích cực đầu tư trang thiết bị hiện đại, giúp người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao.
Xác định rõ tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của từng đơn vị. Thời gian qua, ngành Y tế Điện Biên đã từng bước làm chủ, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) thành công trong khám, chữa bệnh. Qua đó đã đem lại những hiệu quả rất thiết thực trong chẩn đoán, điều trị cho người bệnh, đồng thời tăng cường công tác điều hành, quản lý của các cơ sở y tế, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng ngày tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.
Việc triển khai ứng dụng CNTT để liên thông hệ thống hồ sơ công việc trong ngành y tế Điện Biên đến các đơn vị đã đem lại nhiều kết quả trong công tác chỉ đạo vào điều hành, góp phần giảm bớt thủ tục hành chính, thời gian, các chi phí khác của Sở Y tế; Việc thực hiện gửi và nhận văn bản từ Sở Y tế đến các đơn vị trực thuộc, đến các sở ban ngành trên địa bàn tỉnh được kịp thời, đảm bảo đem lại hiệu quả trong công tác chỉ đạo điều hành, quản lý theo dõi văn bản gửi nhận của cơ quan.
Ứng dụng CNTT trong quản lý chỉ đạo điều hành ; hoạt động chuyên môn; khám chữa bệnh bảo hiểm Y tế được ngành y tế Điện Biên thực hiện trong năm 2018 cụ thể như sau : Sở Y tế đang quản lý hồ sơ công việc, điều hành thông qua hệ thống phần mềm quản lý văn bản điện tử (TDOFFICE) trong nội bộ cơ quan và các đơn vị trực thuộc. 142/143 cơ sở KCB bảo hiểm Y tế thực hiện kết nối liên thông đến cổng dữ liệu KCB của Sở Y tế. Phục vụ công tác quản lý, xây dựng dữ liệu KCB ngành Y tế.
100% các đơn vị trong ngành y tế tỉnh đã sử dụng thành thạo phần mềm kế toán MISA, phần mềm quản lý tài sản ;100% các đơn vị chuyên khoa tuyến tỉnh có hệ thống phần mềm chuyên ngành đặc thù; 100% các đơn vị trực thuộc tiếp nhận Văn bản chỉ đạo điều hành từ Sở Y tế trên môi trường mạng.
100% các cơ sở KCB thực hiện khai thác ứng dụng CNTT trong công tác chuyện môn: Phần mềm quản lý KCB; phần mềm QL tiêm chủng, Phần mềm kiểm tra chất lượng bệnh viện; Phần mềm báo cáo chuyển tuyến; Phần mềm báo cáo chương trình phòng chống Lao; Phần mềm báo cáo chương trình phòng chống sốt rét, Phần mềm quản lý các chương trình mục tiêu Y tế…
142/143 cơ sở KCB đang sử dụng chung thống nhất phần mềm HIS. 100% Các cơ sở KCB đã tiến hành cập nhật, điều chỉnh phần mềm HIS đảm bảo trích xuất dữ liệu XML theo chuẩn dữ liệu đầu ra quy định trong Quyết định 4210. Tỷ lệ thực hiện trích chuyển dữ liệu KCB trong toàn tỉnh trong năm 2018 đạt 97.8.
Bên cạnh đó, các thông tin cơ bản của hồ sơ bệnh án, số liệu tồn kho, xuất nhập tại khoa dược là số liệu hiện hành nên thuận tiện cho việc thiết lập các báo cáo, các chế độ thanh toán viện phí, chứng từ thanh toán với BHYT… được lưu trữ đầy đủ, thông tin hai chiều chính xác, giúp cho việc xử lý thông tin, điều hành công việc của ban giám đốc các bệnh viện được thuận lợi. Công tác quản lý bệnh viện được thực hiện đơn giản, gọn nhẹ, giảm thiểu việc in ấn công văn, giấy tờ, đồng thời hỗ trợ việc lưu trữ dữ liệu phục vụ công tác nghiên cứu khoa học.
Theo đồng chí Triệu Đình Thành, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Điện Biên: “Việc ứng dụng CNTT vào điều hành, quản lý chuyên môn đã giúp cho ngành thấy được hạn chế, bất cập ở từng khâu, từng bộ phận; qua đó, có sự bổ sung, điều chỉnh phù hợp. Cũng qua ứng dụng CNTT việc quản lý, điều hành của Ban Giám đốc, các phòng chuyên môn có sự thống nhất, tránh được sự chồng chéo trong khâu chỉ đạo, điều hành. Đây là mục tiêu mà Sở Y tế đã, đang hướng tới; nhằm góp phần vào việc xây dựng nền hành chính thực sự minh bạch, dân chủ”.