Phòng chống tai biến mạch máu não
14/05/2019
Hiện nay, tai biến mạch máu não là căn bệnh đứng hàng thứ ba về mức độ nguy hiểm. Ðiều đáng lo ngại là số bệnh nhân mắc chứng bệnh này ngày càng gia tăng. Ðối tượng mắc bệnh không chỉ là người lớn tuổi mà đang trẻ hóa dần. Bệnh nhân bị tai biến mạch máu não nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn đến các di chứng trầm trọng, thậm chí là tử vong.
Y, bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh xoa bóp phục hồi chức năng cho bệnh nhân di chứng sau tai biến.
Tai biến mạch máu não thường do mạch máu nuôi dưỡng một vùng não bị tắc hoặc vỡ làm vùng não đó bị tổn thương, hậu quả là phần cơ thể do vùng não đó chi phối bị rối loạn hoạt động hoặc có thể gây tử vong với tỷ lệ khá cao. Ngoài ra, tai biến mạch máu não còn để lại cho bệnh nhân nhiều di chứng ở các mức độ khác nhau và dễ dẫn đến tàn tật. Bác sĩ Phạm Thanh Hải, Trưởng khoa Phục hồi chức năng (Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh) cho biết: Những năm gần đây, bệnh nhân mắc tai biến mạch máu não vào điều trị phục hồi chức năng tại bệnh viện ngày càng tăng. Trong năm 2018 Khoa đón tiếp, điều trị cho 225 bệnh nhân bị di chứng sau tai biến. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Khoa đón tiếp, điều trị cho gần 90 bệnh nhân. Trước đây phần lớn là người già từ 60 tuổi trở lên mới có nguy cơ bị tai biến. Nhưng hiện nay, bệnh nhân bị tai biến mạch máu não đang dần trẻ hóa. Cụ thể khoa từng tiếp nhận điều trị cho những bệnh nhân có độ tuổi từ 30 - 35 tuổi; hiện nay cũng đang điều trị phục hồi chức năng cho 1 bệnh nhân nữ hơn 30 tuổi bị rối loạn cảm giác tay chân sau tai biến. Nguyên nhân một phần do các yếu tố dẫn tới tai biến ngày một tăng trong cuộc sống hàng ngày, như: Bệnh huyết áp, bệnh tiểu đường, mỡ máu, tim mạch… Như đã nói ở trên, trong trường hợp may mắn không tử vong, đa phần bệnh nhân đều để lại di chứng sau tai biến. Nặng thì có thể liệt hoàn toàn, nằm bất động, liệt nửa người, mất trí nhớ… Nhẹ thì đi lại khó khăn, nói ngọng, nói khó, rối loạn đại tiểu tiện, giảm thị lực… Không chỉ vậy, những di chứng sau tai biến còn để lại sự ức chế tâm lý, bệnh nhân rất dễ bị trầm cảm, suy nghĩ tiêu cực khiến cho việc điều trị khó khăn, tốn kém hơn, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống gia đình. Mặc dù các di chứng trên có thể điều trị bằng các phương pháp châm cứu, điện xung, xoa bóp bấm huyệt, tập vận động… với tỷ lệ thành công khá cao nhưng việc chủ động phòng chống tai biến mạch máu não vẫn là điều hết sức cần thiết.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến tai biến mạch máu não, có những yếu tố không ngăn chặn được, như: Tuổi già, giới tính (nam giới bị nhiều hơn nữ giới), yếu tố gia đình… Nhưng các yếu tố về lối sống, thói quen sinh hoạt thì hoàn toàn có thể phòng tránh được. Phương pháp dự phòng gồm 2 loại: Dự phòng cấp 1 phòng tránh khi chưa bị tai biến; dự phòng cấp 2 không cho tai biến mạch máu não tái phát khi dự phòng cấp 1 thất bại. Ðối với phương pháp dự phòng cấp 1, mọi người cần thay đổi lối sống, cuộc sống lành mạnh về tinh thần và vật chất, từ bỏ các tập quán xấu, như: Hút thuốc lá, uống rượu bia… Có chế độ ăn điều độ hợp vệ sinh, cân đối các chất; tập luyện thể dục thể thao thường xuyên để nâng cao sức khỏe; điều trị tốt các bệnh tim mạch và tình trạng căng thẳng thần kinh, tránh mất ngủ. Các bác sĩ cũng khuyên mọi người nên kiểm tra huyết áp định kỳ, nếu phát hiện bị tăng huyết áp cần điều trị sớm tránh biến chứng tim và não. Người trung niên, lớn tuổi, đặc biệt có yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành… cần nghiêm túc tuân thủ điều trị của bác sĩ kết hợp với uống thuốc dự phòng tai biến mạch máu não. Phương án dự phòng cấp 2 được áp dụng khi phương án 1 thất bại, nghĩa là tai biến đã để lại di chứng trên bệnh nhân. Vậy nên, căn cứ cụ thể vào tình hình bệnh nhân để xây dựng phương án điều trị, tích cực tập luyện kết hợp với kiên trì phục hồi chức năng; thay đổi lối sống cho phù hợp, đặc biệt phải quan tâm tới vấn đề huyết áp để tránh tái phát tai biến mạch máu não.