Phụ nữ và trẻ em là nạn nhân chính của tội phạm mua bán người

17/06/2020

Trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh ta, tình hình tội phạm nói chung, tội mua bán người nói riêng diễn biến hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng về số vụ, tính chất nghiêm trọng với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự xã hội. Tội phạm mua bán người đã trực tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người mà đối tượng tác động chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

Hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” năm 2020

 

Phụ nữ và trẻ em là nạn nhân chính của tội phạm mua bán người

 

        Trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh ta, tình hình tội phạm nói chung, tội mua bán người nói riêng diễn biến hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng về số vụ, tính chất nghiêm trọng với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự xã hội. Tội phạm mua bán người đã trực tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người mà đối tượng tác động chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

         Tính từ năm 2014 đến nay, đã có 115 nạn nhân bị mua bán (phụ nữ 81, trẻ em 34), trong đó: dân tộc Mông 107 nạn nhân (chiếm 93%), dân tộc Thái 8 nạn nhân (chiếm 7%). Nhìn chung, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội mua bán người trên địa bàn tỉnh không mới, phổ biến vẫn là lừa đi tìm việc làm thu nhập cao, đi thăm thân, du lịch hoặc làm quen, giả vờ yêu đương, sau đó đưa nạn nhân lên các tỉnh biên giới rồi bán cho các đối tượng người Trung Quốc lấy làm vợ hoặc ép làm gái mại dâm. Gần đây còn xuất nhiện thêm hình thức mua bán phụ nữ mang thai và đưa ra nước ngoài sinh con để bán trẻ sơ sinh… Thị trường mua bán phụ nữ, trẻ em chủ yếu là địa bàn Trung Quốc (chiếm khoảng 70%), Campuchia (chiếm khoảng 10%), còn lại là các địa bàn khác, như Singapore, Mailaisya, Thái Lan, Cộng hòa Liên bang Nga và một số nước Đông Âu...Các đối tượng đã lợi dụng triệt để sự thiếu hiểu biết, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn của nạn nhân để thực hiện trót lọt tội phạm. Tuy nhiên, khác với trước đây, khâu tiếp cận và làm quen với nạn nhân thay vì trực tiếp thì hiện nay ngày càng nhiều đối tượng phạm tội thông qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo... để liên lạc, làm quen với nạn nhân (do tính bảo mật cao, khó bị phát hiện cũng như đảm bảo được bí mật về thông tin. cá nhân, đặc điểm nhận dạng...), sau đó nhờ các đối tượng quen biết trên địa bàn đưa nạn nhân lên khu vực biên giới, điều này giúp hạn chế tối đa việc tiếp xúc với nạn nhân; xu hướng tiếp cận này được các đối tượng phạm tội sử dụng ngày càng nhiều khiến công tác phát hiện, phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn của các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.

          Mặc dù các cấp chính quyền và các ngành có liên quan đã chủ động làm tốt công tác phòng ngừa, tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm MBN; song do tâm lý nhẹ dạ cả tin, một phần do tác động của các phong tục, tập quán dân tộc; trình độ nhận thức hạn chế, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nên số nạn nhân bị mua bán vẫn còn nhiều, chủ yếu là phụ nữ, trẻ em người dân tộc Mông trong tổng số vụ. Địa bàn xảy ra tội phạm vẫn tập trung chủ yếu tại khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thuộc các huyện Mường Chà, Điện Biên Đông, Mường Nhé, Nậm Pồ...

          Hầu hết phụ nữ và trẻ em gái bị dụ dỗ, lừa bán ra nước ngoài thường bị khống chế, giam giữ, bị bạo hành cả thể chất lẫn tinh thần. Họ bị mua bán sang tay nhiều lần như một món hàng nhằm mục đích phục vụ cho hoạt động mại dâm hoặc bị cưỡng ép kết hôn làm vợ người dân bản địa, bị bóc lột tình dục lẫn sức lao động.

           Tình trạng các cô gái nông thôn, miền núi bị dụ dỗ ra thành phố tìm việc làm thực chất là bị lừa bán một cách tinh vi. Bọn tội phạm sử dụng thủ đoạn tiếp cận làm quen với những cô gái mới lớn, trình độ văn hóa thấp, gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, con cái không có điều kiện học hành, bỏ học, không có việc làm ổn định để dụ dỗ, lôi kéo họ đến các cơ sở dịch vụ việc làm, nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn, quán karaoke, massage, cắt tóc, gội đầu... hoặc tìm số phụ nữ đã từng làm gái mại dâm để rủ rê, lừa gạt tìm việc làm ổn định, lao động nhẹ có thu nhập cao, sau đó bán phụ nữ, trẻ em cho các đối tượng là chủ nhà hàng ép buộc làm gái mại dâm để thu lợi./.