Triển khai hồ sơ bệnh án điện tử: Vẫn còn mạnh ai nấy làm

19/03/2019

Nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi đi khám chữa bệnh và khắc phục những hạn chế trong lưu trữ bệnh án bằng giấy, Bộ Y tế đã yêu cầu từ tháng 3-2019, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử.

Tuy nhiên, sau hơn nửa tháng triển khai thực hiện, công việc này còn nhiều khó khăn, phức tạp cùng không ít băn khoăn của cả người dân và cơ sở khám chữa bệnh khi Bộ Y tế vẫn chưa xây dựng được phần mềm quản lý bệnh viện (BV) thống nhất cả nước.

Ngổn ngang

Theo Bộ Y tế, trước đây, công tác lưu trữ thông tin về bệnh nhân tại các cơ sở y tế từ thời điểm làm thủ tục nhập viện đến khi xuất viện đều phải thực hiện trên giấy tờ, sổ sách, khiến lượng thông tin lưu trữ quá lớn, công tác tìm kiếm khó khăn.

Quy định về việc thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử (Thông tư 46) được xem là hướng đi cần thiết và có ý nghĩa lớn trong việc nâng cao khả năng chăm sóc sức khỏe cho người dân và việc tương tác, trao đổi thông tin, phối hợp giữa các BV trong nước, hòa nhập với xu hướng chung của thế giới.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Chợ Rẫy, Thông tư 46 mới chỉ là cơ sở pháp lý để các BV bắt tay thực hiện, còn việc triển khai ra sao, thực hiện như thế nào thì hoàn toàn vẫn chưa biết. Trong thời gian đầu, hầu hết các BV đều phải tự mò mẫm và mỗi BV lại có một cách triển khai khác nhau theo kiểu mạnh ai nấy làm, khiến cho việc thống nhất, đồng bộ, phối hợp giữa các BV gặp nhiều khó khăn.

“Quan trọng của bệnh án điện tử là phải có sự liên thông liên kết giữa các cơ sở y tế, vì một bệnh nhân không chỉ đi khám chữa bệnh ở một BV mà có thể điều trị tại nhiều BV khác nhau, khi liên kết được những thông tin này thì bệnh án điện tử mới trở nên thực chất. Bộ Y tế cần đưa ra một mẫu bệnh án điện tử chuẩn áp dụng cho tất cả các BV trên toàn quốc để khi cần các BV có thể truy xuất, trích xuất thông tin của bệnh nhân ở các BV khác. Nếu không thì khi bệnh nhân chuyển tuyến vẫn buộc phải làm thủ tục bằng giấy và đến BV tuyến sau lại phải thực hiện lại hồ sơ bệnh án từ đầu, việc triển khai bệnh án điện tử sẽ chỉ là nửa vời”, bác sĩ Phạm Thanh Việt đề xuất.

Bác sĩ xem bệnh án điện tử để điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Ảnh: Hoàng Hùng

Đồng quan điểm, bác sĩ Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Bạch Mai (Hà Nội), cho biết để triển khai được bệnh án điện tử, có rất nhiều công việc phải làm, không thể hoàn thành trong ngày một ngày hai. Trước tiên phải xây dựng được phần mềm quản lý dữ liệu. Phần mềm dữ liệu này phải rất lớn nên BV và đối tác công nghệ thông tin của BV cần có thời gian để lên phương án hoàn thiện. Chưa kể, hiện nay yếu tố quan trọng để thực hiện bệnh án điện tử là chữ ký điện tử của bác sĩ. Tuy nhiên về mặt pháp lý, hiện nay, chữ ký điện tử của các bác sĩ vẫn chưa được công nhận mà chỉ căn cứ vào chữ ký trên giấy của bác sĩ điều trị.

Dù xác định còn nhiều khó khăn, cần thời gian thực hiện bệnh án điện tử, nhưng BV Bạch Mai cũng đã triển khai một số giải pháp ứng dụng công nghệ nhằm giảm bớt các thủ tục hành chính cho người bệnh, như mỗi bệnh nhân khi đến khám chữa bệnh sẽ có mã số định danh (ID) để quản lý suốt đời, thanh toán viện phí áp dụng hóa đơn điện tử thanh toán một lần.

Thực hiện theo từng giai đoạn

Theo Bộ Y tế, mặc dù trong giai đoạn đầu hiện nay, việc lập hồ sơ bệnh án điện tử còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhưng vẫn phải quyết tâm triển khai thực hiện nhằm mang lại thuận lợi nhất cho người bệnh và cơ sở khám chữa bệnh. Việc áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử không đơn giản mà đòi hỏi có thời gian và sự đầu tư thích đáng, nên để các cơ sở khám chữa bệnh chủ động, Bộ Y tế đã chia thành từng giai đoạn thực hiện.

Theo đó, giai đoạn 1 từ năm 2019-2023, các BV hạng 1 trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử theo quy định. Giai đoạn 2 từ năm 2024-2028, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. 

BV Ung bướu TPHCM ứng dụng AI trong điều trị

BV Ung bướu TPHCM vừa được Bộ Y tế chọn tham gia thử nghiệm ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) trong tư vấn, hỗ trợ các bác sĩ lựa chọn phác đồ điều trị bệnh ung thư tiên tiến và hiệu quả cho người bệnh. Đây là đơn vị thứ 3 tại Việt Nam ứng dụng AI trong điều trị ung thư, sau BV K và BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Phần mềm AI được BV Ung bướu TPHCM sử dụng là “IBM Watson for Oncology” do Tập đoàn IBM (Mỹ) xây dựng dựa trên nền tảng dữ liệu lớn, hiện nay đã được triển khai áp dụng ở 230 BV của 13 nước trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan…

Phần mềm này tập trung vào 2 loại bệnh ung thư phổ biến là ung thư vú và ung thư đại trực tràng. Theo TS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc BV Ung bướu TPHCM, trước đó, BV Ung bướu đã thử nghiệm phần mềm này trên 103 bệnh nhân ung thư vú và 126 bệnh nhân ung thư đại trực tràng. Kết quả cho thấy tỷ lệ tương đồng giữa phác đồ của bệnh viện và phác đồ của phần mềm đưa ra là 80,3%; trong đó tương đồng về phác đồ điều trị ung thư vú là 71%, ung thư đại trực tràng là 88,1%.

                         THÀNH SƠN

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nêu rõ, hồ sơ bệnh án điện tử sẽ là một đột phá lớn trong ngành y tế, giúp lược bỏ nhiều công đoạn trong quá trình khám chữa bệnh, đồng thời tiết kiệm đáng kể thời gian của người bệnh cũng như y bác sĩ. Đặc biệt, nguyên tắc thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử là mỗi người bệnh chỉ có một mã số quản lý, lưu trữ hồ sơ tại một cơ sở khám chữa bệnh nên Bộ Y tế yêu cầu, hồ sơ bệnh án điện tử phải tuân thủ nghiêm việc bảo vệ thông tin cá nhân. Cùng với đó phần mềm hồ sơ quản lý sức khỏe người dân bảo đảm liên thông, đồng bộ giữa các cơ sở khám chữa bệnh.

Theo ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), bệnh án điện tử giúp người bệnh không phải lưu trữ tất cả loại giấy tờ khi đi khám chữa bệnh. Người bệnh không phải lo lắng nếu làm mất kết quả xét nghiệm, không phải hoang mang khi đọc chữ viết của bác sĩ, đồng thời dễ dàng so sánh từng chỉ số xét nghiệm, kết quả khám sức khỏe tổng quát định kỳ. Khi kết hợp với việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử giúp người bệnh tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của mình, từ đó chủ động phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe bản thân. Tuy nhiên, khó khăn lớn hiện nay khi triển khai bệnh án điện tử là vấn đề hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu của các BV chưa đồng bộ.

Về vấn đề này, ông Tường cho biết, cục đang xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật để làm giao thức kết nối giữa các phần mềm bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử, phần mềm quản lý trạm y tế xã/phường/thị trấn và phần mềm ứng dụng ở các BV với nhau. Các phần mềm này phải thống nhất, tránh tình trạng mỗi nơi một kiểu và việc chia sẻ liên kết phải bảo đảm nguyên tắc bảo mật, an toàn thông tin của người bệnh và BV.

Cần hệ thống phần mềm bệnh án điện tử dùng chung

Thực hiện chủ trương áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử của Bộ Y tế, nhiều bệnh viện (BV) trong cả nước đã triển khai các hệ thống lưu trữ, xử lý thông tin, hình ảnh xét nghiệm bệnh nhân nhằm phục vụ công tác điều trị. Một số thuận lợi cùng vướng mắc đã được đại diện các BV phản ánh.

Bác sĩ NGUYỄN MINH QUÂN, Giám đốc BV Quận Thủ Đức (TPHCM):

BV quận Thủ Đức mỗi ngày phục vụ hơn 6.000 lượt khám chữa bệnh; nếu như trước đây, bệnh nhân phải qua 2 khâu đăng ký khám rồi lấy số vào phòng khám thì bây giờ, với việc triển khai bệnh án điện tử, bệnh nhân sẽ được nhân viên y tế quét mã vạch thẻ bảo hiểm y tế vì thông tin đã có sẵn trên máy tính của BV, hoàn toàn không cần đến sổ khám bệnh. Còn với bệnh nhân nội trú, thay cho những cuốn hồ sơ bệnh án dày cộm là chiếc máy tính bảng chứa toàn bộ thông tin, dữ liệu của bệnh nhân. Việc này giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho cả bệnh nhân lẫn nhân viên y tế.

PGS-TS NGUYỄN HOÀNG BẮC, Giám đốc BV Đại học Y Dược TPHCM:

Chúng tôi đã và đang triển khai song song 2 hệ thống gồm bệnh án điện tử và hệ thống lưu trữ - truyền hình ảnh trong y khoa (PACs). Nhờ áp dụng bệnh án điện tử, các bác sĩ gần như dành hết thời gian để khám bệnh và tư vấn cho bệnh nhân, vì thế bệnh nhân rất hài lòng. Ngoài ra, bệnh án điện tử cũng giúp cảnh báo các trường hợp bệnh nhân dị ứng thuốc, tương tác thuốc, phụ nữ có thai, đánh giá tình trạng dinh dưỡng, liên kết các thông tin tường trình phẫu thuật, tìm kiếm kết quả xét nghiệm dễ dàng…

Bác sĩ VŨ QUỲNH NGA, Phó Giám đốc BV Tim Hà Nội:

Mỗi ngày, BV tiếp nhận khám, điều trị khoảng 1.500 bệnh nhân, nhờ việc triển khai bệnh án điện tử đã tiết kiệm đáng kể thời gian của người bệnh cũng như của y bác sĩ. Các bác sĩ gần như có toàn bộ bệnh án của bệnh nhân chỉ sau ít thao tác trên máy tính, thậm chí bệnh nhân kháng thuốc gì, tiền sử bệnh như thế nào đều được hệ thống cảnh báo.

Bác sĩ NGUYỄN ÁNH TUYẾT, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định:

BV Nhân dân Gia Định đang nâng cấp phần mềm, bổ sung hoàn chỉnh các thông tin để chuẩn bị cho việc triển khai bệnh án điện tử. Tuy nhiên, BV gặp khó khi phải tự mày mò, tìm hiểu phần mềm để sử dụng. Hy vọng Bộ Y tế hoặc Sở Y tế TPHCM có một hệ thống phần mềm bệnh án điện tử chung để các BV có thể áp dụng. Điều này vừa giúp BV không mất thời gian tìm kiếm, vừa có thể kết nối dữ liệu giữa các cơ sở y tế, tạo thuận lợi hơn trong công tác khám chữa bệnh.