THÚC ĐẨY BÌNH ĐẲNG GIỚI GÓP PHẦN GIẢM THIỂU MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH KHI SINH

14/10/2019

Với mục đích tạo cơ hội nhiều hơn cho trẻ em gái và nâng cao nhận thức về bất bình đẳng giới, từ năm 2011, Liên Hợp quốc quyết định lấy ngày 11/10 hằng năm là Ngày Quốc tế trẻ em gái. Theo đó, mỗi năm Liên Hợp quốc lựa chọn một chủ đề khác nhau cho Ngày Quốc tế trẻ em gái. Chủ đề năm 2019 là “ Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”.

Theo đánh giá của Liên Hợp quốc, tình trạng phân biệt nam- nữ, mất cân bằng giới tính khi sinh đang là những thách thức to lớn trên phạm vi toàn cầu, nhất là ở các nước châu Á. Ở nước ta mất cân bằng giới tính khi sinh có xu hướng tiếp tục tăng và lan rộng cả ở nông thôn và thành thị.

    Có nhiều nguyên nhân gây mất cân bằng giới tính khi sinh, nhưng chủ yếu xuất phát từ các quan niệm xã hội và tín ngưỡng, tôn giáo đòi hỏi trong mỗi gia đình phải có con trai gánh vác việc thờ cúng tổ tiên, lo việc lớn của gia đình, dòng họ, củng cố địa vị của cha mẹ trong  xã hội. Tư tưởng trọng nam, khinh nữ còn tồn tại do phong tục truyền thống ở nhiều nơi chỉ có con trai mới được thừa kế tài sản của cha mẹ, con trai mới nối dõi tông đường. Bất bình đẳng giới đã ăn sâu vào nhận thức  xã hội. Địa vị của người phụ nữ không được coi trọng, trong tiềm thức của nhiều người vẫn còn phân biệt con gái là con người ta, quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”.

          Mặc dù đã có những quy định chính thức cấm lựa chọn giới tính, nhưng siêu âm và phá thai vẫn bị lạm dụng cho mục đích lựa chọn giới tính. Việc giám sát các phòng khám và bệnh viện tư nhân thực hiện chưa nghiêm ngặt .

          Lựa chọn giới tính thai nhi hoặc cung cấp dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi là hành vi vi phạm pháp luật theo quy định của Pháp lệnh Dân số năm 2003 và sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 và Nghị định số 114/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Luật Bình đẳng giới năm 2006 cũng quy định: “Lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức hoặc xúi giục, ép buộc người khác phá thai vì giới tính của thai nhi” là vi phạm pháp luật.

          Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ gây ra những hậu quả trầm trọng cho sự phát triển Kinh tế - Xã hội của đất nước và cuộc sống của phụ nữ, nam giới, gia đình và cả cộng đồng. Tình trạng thiếu phụ nữ trẻ sẽ khiến nhiều nam giới khó tìm được bạn đời khi đến tuổi lập gia đình. Sự “khủng hoảng về hôn nhân” có thể để lại một loạt hậu quả cả về mặt nhân khẩu học và mặt xã hội bao gồm nạn ép buộc kết hôn, buôn bán và bạo hành phụ nữ và trẻ em gái và cả nguy cơ bất ổn xã hội do sự bất mãn về xã hội và tình dục của nam giới. Trong tình trạng đó, những nam giới yếu thế - cụ thể là những người nghèo và học vấn thấp sẽ càng có ít cơ hội để xây dựng gia đình. Số người di cư trong nước và ra nước ngoài vì mục đích hôn nhân cũng có thể tăng lên, làm cho xã hội càng mất ổn định hơn.

          Để đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên (103-106 bé trai/100 bé gái), Đảng và Nhà nước đã có những chỉ đạo cụ thể trong các chiến lược, chương trình, văn bản chính sách như: “Chiến lược quốc gia về Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020”; “Chương trình hành động quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020”; đề án “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025”; Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 23/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025; Nghị quyết số 21 - NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Khóa XII về “Công tác dân số trong tình hình mới” đã đề ra mục tiêu “đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên”, trước hết, “đến năm 2030, tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống”.   

          Mất cân bằng giới khi sinh sẽ để lại nhiều hệ lụy nặng nề, ảnh hưởng lớn nhất là việc dư thừa nam giới trong xã hội. Giải quyết tình trạng này là việc làm khó khăn, phức tạp đòi hỏi phải được tiến hành thường xuyên, liên tục và lâu dài. Để hạn chế tối đa sự gia tăng Mất cân bằng giới tính khi sinh rất cần sự chung tay, phối hợp của cả hệ thống chính trị, xã hội và cộng đồng.