Triển khai đồng bộ các giải pháp Phòng, chống HIV/AIDS

03/04/2019

Ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện trên địa bàn tỉnh Điện Biên năm 1998. Tính đến 31/12/2018 lũy tích các trường hợp nhiễm HIV là 7.273 trường hợp, trong đó còn sống quản lý được 3.428 người. Lũy tích bệnh nhân AIDS 5.331 người; bệnh nhân AIDS còn sống 1.662 người; người tử vong do AIDS 3.669 người. Trong năm 2018 phát hiện 185 trường hợp nhiễm HIV mới (giảm 93 trường hợp so với năm 2017). Hiện nay 10/10 huyện, thị xã, thành phố; 120/130 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có người nhiễm HIV/AIDS. Tỷ lệ người nhiễm HIV còn sống quản lý được trên dân số là 0,59%.

Hưởng ứng “Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS” đã thu hút đông đảo cán bộ, công nhân viên chức, học sinh trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ tham gia diễu hành cổ động.

Hiện nay, toàn tỉnh có 11 phòng tư vấn xét nghiệm HIV (100% huyện, thị xã, thành phố có phòng TVXN); 9 phòng xét nghiệm khẳng định HIV (đạt 90% số huyện); xét nghiệm sàng lọc HIV tại 102 xã; triển khai xét nghiệm không chuyên do y tá bản thực hiện tại 9 huyện, thị xã, thành phố (riêng huyện Mường Nhé chưa triển khai). 10 Cơ sở điều trị HIV/AIDS (100% huyện, thị xã, thành phố); điều trị ARV tại 68 xã, phường. Triển khai dự phòng lây truyền mẹ con tại 10/10 huyện, thị xã, thành phố. Can thiệp giảm tác hại tại 106/130 xã, phường (Chiếm 81,5%). Các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS được triển khai lồng ghép gắn với hệ thống y tế công lập, đảm bảo tính bền vững của Chương trình. 

Trong năm 2018, đã thực hiện 43.431/31.300 mẫu giám sát phát hiện đạt 138,8% chỉ tiêu kế hoạch, có 270 mẫu (+) tính; Thực hiện 1.263/1.470 mẫu  xét nghiệm tế bào CD4 phục vụ cho công tác điều trị. Tổ chức 1 hội nghị giám sát trọng điểm, thực hiện 80 đợt giám sát dịch HIV/AIDS và hỗ trợ kỹ thuật tại 120 xã thuộc 10/10 huyện, thị xã, thành phố. Duy trì hoạt động của 9 phòng xét nghiệm khẳng định nhiễm HIV; 12 phòng tư vấn xét nghiệm HIV tại Khoa phòng, chống HIV/AIDS và Trung tâm các huyện, thị xã. Các phòng chẩn đoán HIV dương tính nhanh trong 1,5 giờ và đưa bệnh nhân vào điều trị kịp thời tránh mất dấu, góp phần thực hiện mục tiêu 90-90-90 đạt hiệu quả. Thực hiện thường xuyên việc vận chuyển mẫu máu xét nghiệm khẳng định nhiễm HIV qua đường Bưu Điện. Triển khai có hiệu quả xét nghiệm sàng lọc HIV tại 102 xã trên địa bàn 10/10 huyện, thị xã, thành phố. Thực hiện 113 buổi truyền thông trực tiếp tại cộng đồng cho 7.806 lượt người nghe. Hỗ trợ 20 lần phát thanh tại tuyến xã và hỗ trợ xây dựng 3 kịch bản về công tác phòng chống HIV/AIDS. Tổ chức 1 cuộc họp vận động cộng đồng tại xã Mường Pồn, huyện Điện Biên cho 51 người là cán bộ các Ban, ngành đoàn thể và các trưởng bản do dự án CCRD tài trợ. Triển khai có hiệu quả tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS.

Các hoạt động can thiệp giảm hại dự phòng lây nhiễm HIV vẫn được duy trì tại 130 xã, phường, thị trấn đảm bảo cung cấp đủ bơm kim tiêm cho người tiêm chích. Lực lượng tham gia gồm: 501 y tế thôn bản; 56 đồng đẳng viên; 84 thùng cấp bơm kim tiêm cố định. Độ bao phủ của chương trình can thiệp giảm tác hại theo đối tượng tiêm chích ma túy đạt 100%; trung bình trong năm 2018, 1 người tiêm chích ma túy nhận được 1,2 bơm kim tiêm/ngày.

Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone được triển khai trên địa bàn tỉnh Điện Biên từ tháng 3/2011. Đến 31/12/2018 toàn tỉnh có 8 cơ sở điều trị, 29 cơ sở cấp phát thuốc Methadone. Đang triển khai mới 5 CSCP Methadone tại các huyện Tủa Chùa, Tuần Giáo, Điện Biên Đông, Mường Nhé, Mường Ảng. Lũy tích điều trị 5.494 bệnh nhân; 2.875 bệnh nhân ngừng điều trị do nhiều nguyên nhân khác nhau. Hiện đang quản lý, điều trị cho 2.649 bệnh nhân đạt 76.1% kế hoạch; đã chuyển 1.378 bệnh nhân về điều trị tại các xã. 

Công tác chăm sóc điều trị bệnh nhân AIDS: Hiện nay đang quản lý và điều trị bệnh nhân tại 10 phòng khám ngoại trú trên địa bàn tỉnh, tính đến 31/12/2018 là 3.062 bệnh (đạt 74,9% kế hoạch) hiện đã điều trị ARV cho 89,3% người nhiễm HIV còn sống quản lý được; điều trị mới cho 203 bệnh nhân. Sàng lọc lao 3.084 bệnh nhân; điều trị dự phòng Lao bằng INH mới cho 71 bệnh nhân. Tính đến tháng 12/2018 có 3.416 người nhiễm HIV có thẻ BHYT (chiếm 100%); 2.853 người nhiễm HIV/AIDS được khám chữa bệnh và thanh toán BHYT; Trong năm 2018 đã mua thẻ BHYT cho 435 người nhiễm HIV. Từ tháng 11/2016 đến 31/12/2018 triển khai mở rộng xét nghiệm tải lượng virus cho toàn bộ số bệnh nhân điều trị ARV. Xét nghiệm tải lượng virus cho 4.869 bệnh nhân điều trị ARV (trong đó có 1.650 bệnh nhân được xét nghiệm năm 2018), số có kết quả xét nghiệm tải lượng virus dưới ngưỡng là 4.562 bệnh nhân chiếm 93,7%; trên ngưỡng là 307 bệnh nhân chiếm 6,3%.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS, vừa qua UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 845/KH-UBND về việc triển khai thực hiện kế hoạch Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Điện Biên năm 2019. Theo đó, mục tiêu của kế hoạch nhằm triển khai đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả Chương trình phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Điện Biên; hướng tới mục tiêu 90-90-90; góp phần thực hiện thành công Chiến lược Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư <0,6%. Trong đó các mục tiêu cụ thể như: 100% cơ quan thông tin đại chúng địa phương thực hiện tổ chức truyền thông Phòng, chống HIV/AIDS theo hướng dẫn của Bộ Thông tin – Truyền thông và Bộ Y tế. 80% người nhiễm HIV (quản lý được) tham gia sinh hoạt trong các câu lạc bộ, nhóm đồng đẳng và các loại hình hoạt động phòng, chống HIV/AIDS khác. 100% xã/phường có người nhiễm HIV quản lý được người nhiễm HIV trên địa bàn. 100% xã/phường/thị trấn triển khai chương trình Phòng, chống HIV/AIDS. 91% người lớn và trẻ em nhiễm HIV được tiếp cận với dịch vụ điều trị bằng thuốc ARV. 100% người nhiễm HIV/AIDS có thẻ bảo hiểm y tế…

Tuy nhiên, bên cạnh đó công tác phòng chống HIV/AIDS hiện nay đang gặp nhiều khó khăn thách thức: Dịch HIV đã lan ra các vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; nguồn kinh phí đầu tư cho phòng chống HIV/AIDS của các tổ chức quốc tế hỗ trợ cho tỉnh đang bị cắt giảm mạnh, ảnh hưởng rất lớn tới kết quả hoạt động của chương trình phòng chống HIV/AIDS./.