Hưởng ứng tháng hành động vì trẻ em năm 2021: Phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em trong mùa hè

08/06/2021

Mới gần đây, vụ việc 2 trẻ tử vong do đuối nước ở tại xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tai nạn thương tích. Được biết, 2 trẻ chỉ mới 10, 11 tuổi này rủ nhau ra sông tắm sau giờ tan học. Mặc dù đã được phát hiện và huy động nhiều người ứng cứu, nhưng hậu quả đau lòng vẫn xảy ra.

Trẻ em tắm trên các kênh mương không có sự giám sát của người lớn tiềm ẩn nguy cơ đuối nước

Trên thực tế, tại các kênh mương trên địa bàn tỉnh, thỉnh thoảng chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp tình trạng trẻ em chơi đùa dưới nước sau giờ học mà không hề có người lớn giám sát. Theo số liệu từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên, hiện trên địa bàn có gần 215.000 trẻ em dưới 16 tuổi. Trung bình mỗi năm ghi nhận 2.000 trường hợp tai nạn thương tích ở trẻ, 70 - 80 trường hợp trong số đó tử vong. Qua phân tích, nguyên nhân chủ yếu được xác định là do ngã, ngạt tắc đường thở, tai nạn giao thông, động vật hoặc côn trùng cắn, đốt, ngộ độc, đuối nước…Tai nạn thương tích có chiều hướng gia tăng trong những kỳ nghỉ hè, ít có sự giám sát của gia đình và nhà trường. Thực tế cho thấy, phần lớn trẻ em ở các địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa thường thiếu đi sự giám sát của người lớn, do bận mưu sinh. Không ít ông bố, bà mẹ thậm chí lên nương dài ngày để con nhỏ ở nhà tự chăm sóc nhau. Trong khi đó, đa phần trẻ thiếu kiến thức, kỹ năng phòng tránh, bảo vệ bản thân trước các nguy cơ tai nạn; địa hình hiểm trở, môi trường sống tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn. Trước đó, năm 2019 cũng tại Điện Biên Đông này, vụ việc đuối nước thương tâm khác đã khiến 3 đứa trẻ trong 1 gia đình tử vong. Vụ việc xảy ra ngay tại chính ao nuôi cá của gia đình, tuy nhiên lại không được phát hiện kịp thời do người lớn bận việc nhà và chưa quan tâm giám sát trẻ.  

Trước đó, để chủ động khắc phục thực trạng này, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Chương trình bảo vệ trẻ em tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em giai đoạn 2016-2020, cùng một số Văn bản chỉ đạo tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước trẻ em. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành liên quan triển khai các hoạt động phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới, để phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, tùy theo từng  lứa tuổi của trẻ, các yếu tố nguy cơ theo lứa tuổi của trẻ mà chúng ta có những biện pháp phòng chống tai nạn thương tích phù hợp

Vì vậy, để hạn chế tối đa số trẻ em bị đuối nước, việc thực hiện các lớp phổ cập bơi cho các em được đặt lên hàng đầu. Ngoài ra, trẻ cũng cần được chỉ bảo để biết được những nơi, khu vực nguy hiểm, dạy trẻ những kỹ năng thoát hiểm khi gặp nạn.Tuy nhiên, để làm được điều này, cần sự chung tay tích cực của toàn xã hội, đặc biệt là của gia đình; những tổ chức gắn bó với trẻ em như: Đội, Đoàn Thanh niên, nhà trường… để xây dựng những mô hình dạy bơi và tăng cường tuyên truyền rộng rãi kiến thức phòng, chống đuối nước, đặc biệt áp dụng các hình thức truyền thông rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, mạng internet.

Có rất nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ em nhưng cách phòng ngừa hiệu quả nhất là sự quan tâm chú ý của người lớn khi trông trẻ. Chỉ một phút sơ xuất cũng có thể dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho trẻ nhỏ. Vì tương lai tốt đẹp của con em chúng ta, mỗi người hãy nâng cao ý thức chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, tạo môi trường an toàn và lành mạnh để trẻ em phát triển toàn diện, góp phần xây dựng một tương lai tươi sáng cho đất nước./.