TẦM QUAN TRỌNG NƯỚC SẠCH TRONG ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI

26/05/2020

Nước sạch là nhu cầu thiết yếu đối với sự sống con người, động thực vật, hàng ngày chúng ta sinh hoạt đều phải sử dụng nguồn nước sạch từ ăn uống, tắm rửa, giặt giũ, vệ sinh,… Ngoài ra, việc sử dụng nước sạch trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp để tạo ra các thực phẩm sạch cũng là yếu tố quan trọng quyết định sức khỏe của con người.

               Nước sạch là nhu cầu thiết yếu đối với sự sống con người, động thực vật, hàng ngày chúng ta sinh hoạt đều phải sử dụng nguồn nước sạch từ ăn uống, tắm rửa, giặt giũ, vệ sinh,… Ngoài ra, việc sử dụng nước sạch trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp để tạo ra các thực phẩm sạch cũng là yếu tố quan trọng quyết định sức khỏe của con người. Nguồn nước sạch là nước hợp vệ sinh, đảm bảo an toàn cho sức khỏe, nước trong, không màu, không mùi, không vị, không chứa vi sinh vật gây bệnh và các chất độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.Tuy nhiên, không phải ai cũng được tiếp cận và sử dụng nguồn nước sạch. Đa số người dân đều nhận xét nguồn nước sạch hay ô nhiễm bằng cảm quan, mà không dựa trên cơ sở khoa học. Nguồn nước sạch mà người dân sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày thường được lấy từ: Hệ thống cung cấp nước tập trung (nước máy), nước mưa, nước giếng khơi, nước máng lần, nước giếng khoan…

Nước sạch là nhu cầu thiết yếu đối với sự sống con người

          Để có nguồn nước giếng sạch: Các giếng khai thác nước phải cách xa nhà vệ sinh, hệ thống xả thải, hệ thống xử lý nước thải có bán kính từ 10m trở lên. không để các vật dụng dễ gây ô nhiễm như hóa chất, dầu nhớt, các chất tẩy rửa, thuốc bảo vệ thực vật…gần khu vực giếng. Các giếng phải được xây bệ cao, có nắp đậy. Sân giếng lát gạch hoặc xi măng có rãnh thoát nước. Rãnh thoát nước có độ dốc vừa phải và dẫn ra xa hoặc đổ vào các hố thấm nước thải.Thường xuyên vệ sinh sàn giếng tránh trơn trượt, xét nghiệm nước, làm sạch nước bằng giàn mưa, bể lọc. Tại các hộ gia đình cần lọc nước, đun sôi nước trước khi sử dụng để hạn chế các bệnh lây qua nguồn nước.

                   Đối với nước mưa: Cần vệ sinh máng hứng, máng dẫn, bể chứa, loại bỏ nước của trận mưa đầu và 15 phút đầu của các trận mưa sau, bể hoặc lu chứa phải có nắp đậy, lắp vòi hoặc dùng gầu để lấy nước, gầu phải treo cao, nuôi cá vàng, cá cờ trong bể chứa để diệt bọ gậy. Không nên dùng nước mưa từ mái pro-xi măng.

              Nước máng lần: Yêu cầu máng phải kín tránh lá cây bụi bẩn, phân súc vật rơi vào, không nên chăn thả gia súc ở đầu nguồn nước.

             Nước sạch đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe và cuộc sống của con người. Để thỏa mãn các nhu cầu vệ sinh cá nhân và sinh hoạt, mỗi người cần tới khoảng 120 lít nước sạch/ngày.  Nếu sử dụng nước không sạch thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, vì nước là môi trường trung gian chuyển tải các chất hóa học và các loại vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng gây bệnh mà mắt thường không nhìn thấy được.Các hóa chất thường gặp trong nước như sắt, chì, măng gan, asen, thủy ngân, nitrit, nitrat, amoni, hóa chất bảo vệ thực vật, các sản phẩm dầu, mỡ và các hóa chất dùng trong công nghiệp… Nếu hàm lượng của các chất này trong nước vượt quá tiêu chuẩn cho phép sẽ gây hại đối với sức khỏe, như ngộ độc kim loại nặng (asen, thủy ngân, chì, hóa chất bảo vệ thực vật). Nếu hàm lượng hóa chất thấp hơn, có thể chưa ảnh hưởng ngay đến sức khỏe, nhưng các hóa chất có khả năng tích tụ trong các mô của cơ thể, về lâu dài có thể gây nên các bệnh nhiễm độc mãn tính hoặc ung thư.Việc sử dụng nước bị nhiễm bẩn các yếu tố vi sinh vật cũng là nguyên nhân gây nên các bệnh hoặc các vụ dịch đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn. Nước cũng như thực phẩm rất dễ bị nhiễm các loại vi khuẩn E Coli, Salmonella gây bệnh tiêu chảy, khuẩn tả gây bệnh tả… Nhiều người dùng chung một nguồn nước bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh có thể gây bùng phát các vụ dịch trong cộng đồng, nếu phân hoặc chất thải của những người này không được quản lý tốt, gây ô nhiễm môi trường thì dịch bệnh lại càng có nguy cơ lan rộng hơn. 

               Để bảo vệ nguồn nước sạch mỗi người cần phải có biện pháp xử lý nước đơn giản như lọc nước, nâng cao ý thức cộng đồng để giữ sạch nguồn nước bằng cách không vứt rác, phóng uế bừa bãi ảnh hưởng đến nguồn nước sạch, không dùng phân tươi làm phân bón, sử dụng thuốc trừ sâu đúng hướng dẫn…; Tiết kiệm nước sạch, giảm lãng phí khi sử dụng nước vào các sinh hoạt hàng ngày, kiểm tra, bảo trì cải tạo lại đường ống, bể chứa nước để chống thất thoát nước, xử lý phân người, vận động và ứng dụng tốt các giải pháp để xây dựng các loại nhà tiêu hợp vệ sinh (tự hoại, bán tự hoại, hai ngăn, thấm dội nước)./.